Ngồi giữ đất Thục Công_Tôn_Thuật

Năm sau (30), Ngôi Hiêu xưng thần với Thuật, quân Hán đã gần dẹp xong phía đông, sắp tây tiến, người Bình Lăng là Kỵ đô úy Kinh Hàm đề nghị phát binh mở rộng địa bàn, những tướng lãnh về hàng là Duyên Sầm, Điền Nhung đều tán đồng, nhưng anh em của ông và quan viên người đất Thục lại phản đối. Cuối cùng Thuật quyết định không phát binh.

Thuật tính hà khắc, chấp nhặt, hay giết người vì lỗi nhỏ. Ông cảm thấy giết chóc không đủ oai, bèn đổi tên quận, huyện. Thuật từ thời trẻ làm lang, nắm rõ lễ chế nhà Hán, nên thay đổi cờ xí, kiến trúc cho ra dáng hoàng đế; phong vương cho các con, thực ấp là mấy huyện thuộc các quận Kiền Vi, Quảng Hán. Quần thần can gián, ông không nghe, rồi chỉ tin dùng người họ Công Tôn, khiến mọi người oán thán.

Năm thứ 8 (32), quân Hán đánh Ngôi Hiêu, Thuật sai Lý Dục đem hơn vạn người đi cứu. Sau khi Hiêu mất, bộ hạ của ông ta đầu hàng nhà Hán, đất Thục kinh hãi. Phía ngoài Thành Đô có một cái kho cũ được dựng vào đời Tần, bị bỏ không trong suốt đời Tân đến nay, ông đổi tên là kho Bạch Đế. Thuật sai người ngoa truyền rằng kho nứt ra cái hang như cái mả, trăm họ bỏ chợ đi xem. Ông nhân đó nói rằng kho nứt ra cái hang thì cũng như Ngô Hiêu đã bị phá diệt, đều là lời đồn không có căn cứ, như thế tạm yên được lòng người. Ít lâu sau, tướng của Hiêu là Vương Nguyên về hàng, cho làm tướng quân. Năm sau (33), Thuật sai Nguyên và lãnh quân Hoàn An giữ Hà Trì; lại sai Điền Nhung cùng đại tư đồ Nhiệm Mãn, Nam Quận thái thú Trình Phiếm đưa quân xuống Giang Quan, phá bọn Uy lỗ tướng quân Phùng Tuấn, lấy được thành cùng Di Lăng, Di Đạo, nhân đó ngăn giữ Kinh Môn.